Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Nhức mỏi chân ở trẻ em là bệnh gì?

Con gái tôi 10 tuổi, dạo này mỗi đêm bé hay kêu nhức mỏi hai chân, nên khi đi ngủ tôi phải xoa chân giúp thì bé mới ngủ được. Vậy xin hỏi bé bị bệnh gì? Cách chữa như thế nào?

Lê Thị Huyền (Hà Tĩnh)

Chứng nhức mỏi chân ở trẻ có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu hay gặp là do hệ xương của trẻ đang trong giai đoạn phát triển nhanh nhất là xương cẳng chân. Thông thường ở độ tuổi trẻ từ 8 - 13 hoặc sớm hơn nếu trẻ phát triển chiều cao tăng đột biến. Điều này có thể dẫn tới đau nhức mỏi do xương phát triển quá nhanh trong khi các chất cần thiết cho sự phát triển của xương như sắt, canxi không được cung cấp kịp thời nên trẻ thường xuyên đau nhức ở cánh tay, cẳng chân, khi ngủ bứt rứt không yên. Trường hợp này trẻ hay vấp ngã khi di chuyển, đau xương tay, chân và đau hơn khi vận động mạnh, ngay cả lúc nghỉ ngơi cũng đau... Khi đó, cần tránh những tổn thương do va đập hay viêm nhiễm cho trẻ nếu không có thể dẫn đến gãy xương hoặc bong gân...

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Ngoài ra có thể do xương phát triển quá nhanh làm hệ cơ phát triển không “theo kịp” (xương dài ra nhưng các sợi dây cơ chạy dọc theo ống xương không dài bằng) nên bị kéo căng ra gây đau bắp, bụng chân, tay hay còn gọi là đau cơ. Trẻ thường nhức mỏi vào ban đêm vì đó là thời điểm xương phát triển nhanh nhất.

Bên cạnh đó nếu nhức mỏi chân kèm theo các triệu chứng có thể chỉ bị sụp mi mắt (một hoặc hai bên) có thể là bệnh nhược cơ. Nếu đau vùng thắt lưng kéo dài, đau cả vùng xương chậu và xương cụt, đau khi ngồi lâu, cứng và tê xuống hai chân,... có thể viêm khớp vùng chậu. Do trong thư chị không nói rõ bé có thêm triệu chứng nào nữa. Vì vậy, chị cần cho bé đến cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để được khăm khám.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

5 dấu hiệu trên khuôn mặt tố bạn thiếu vitamin

Đôi mắt sưng húp

Bạn có thể sẽ nhận thấy đôi mắt của bạn đang sưng phồng sau khi thức dậy. Tuy nhiên, sự sưng phồng quá mức có thể cho biết lượng iod trong cơ thể thấp. Một nghiên cứu năm 2006 đã phát hiện ra mối liên quan giữa lượng iodine và bệnh tuyến giáp - một tình trạng có thể dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức và mắt sưng phồng. Ngoài ra, bạn còn có thể thấy các dấu hiệu khác của thiếu hụt iod bao gồm da khô, tăng cân và móng giòn.

Thực phẩm chữa bệnh: Cà rốt, sữa chua, tảo bẹ, khoai tây, dâu tây và hạt cà phê…

Da nhợt nhạt

Một lớp da nhợt nhạt có thể là một dấu hiệu bạn cần tăng lượng vitamin B12. Thiếu vitamin này có thể dẫn đến đau người, mệt mỏi. Một triệu chứng khác của sự thiếu hụt vitamin này là một số bệnh răng miệng như viêm lợi phì đại, xuất huyết gây viêm quanh răng…

Thực phẩm cần bổ sung: Cá hồi, thịt đỏ, ngũ cốc bổ sung, sữa chua và phô mai…

Tóc khô

Nếu tóc bạn khị khô thì đây có thể là dấu hiệu bạn thiếu biotin hoặc vitamin B7. Mức độ thấp của biotin có thể dẫn đến móng dễ gãy và tóc mỏng. Liều cao của biotin thông qua các chất bổ sung vitamin có thể hữu ích để cải thiện chất lượng tóc và thậm chí điều trị bệnh tiểu đường.

Thực phẩm cần bổ sung: Trứng, quả hạnh, hạt đậu và ngũ cốc nguyên hạt…

Môi tái

Nếu đôi môi của bạn nhợt nhạt, điều này có nghĩa là bạn đang thiếu máu, và cần nhiều chất sắt trong chế độ ăn uống. Cơ thể thiếu sất dễ bị cảm lạnh và suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn.

Thực phẩn cần dùng: Thịt đỏ, hải sản, đậu, rau lá xanh đậm, ngũ cốc tăng cường sắt và đậu Hà Lan…

Chảy máu lợi

Bình thường bạn thấy một ít máu sau khi dùng chỉ nha khoa, nhưng nếu bạn nhận thấy lợi (nướu) của bạn nhạy cảm và chảy máu thường xuyên, đây có thể là một dấu hiệu của sự thiếu vitamin C trong chế độ ăn uống. Sự thiếu hụt này còn có thể gây ra bệnh ở máu với biểu hiện da dễ bị bầm tím, dễ chảy máu…

Thực phẩm cần bổ sung: Ổi, ớt Đà Lạt, dâu tây, bông cải xanh, quả kiwi, đu đủ…

Lê Thu Lương

(Theo MSN)

Biến dạng do viêm khớp có điều trị khỏi?

Phạm Văn Giang (Thanh Hoá)

viem khop dang thap

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh khớp mạn tính đồng thời là một bệnh lý tự miễn điển hình với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau, diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả nặng nề cho sức khỏe của người bệnh. Triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm khớp dạng thấp biểu hiện: Sưng, nóng, đỏ, đau do viêm màng hoạt dịch của khớp, bắt đầu từ các khớp nhỏ ở ngoại biên như: Các khớp ở bàn tay, cổ tay, bàn - ngón tay, bàn - ngón chân, khớp gối, đối xứng hai bên. Cứng khớp, khó cử động khớp vào buổi sáng lúc mới ngủ dậy, triệu chứng này kéo dài hằng giờ. Kèm theo các triệu chứng tại khớp là triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, người xanh xao, gầy sút. Khi bệnh viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán xác định thì việc dùng thuốc càng sớm càng tốt, nhất là trước khi xuất hiện tổn thương sụn khớp và đầu xương... Trường hợp đã có biến dạng khớp tức đã tổn thương sụn khớp và đầu xương thì việc điều trị có thể làm ngưng sự tiến triển của bệnh, chứ không thể cải tạo được các tổn thương đã có tại sụn khớp và đầu xương, có nghĩa các biến dạng vẫn còn bác ạ. Vì là bệnh mạn tính nên người bệnh phải chung sống hoà bình và việc điều trị là để không tổn thương thêm, không dẫn tới tàn phế ảnh hưởng đến chất lượng sống. Vì vậy, bác cần khám chuyên khoa xương khớp để được chỉ định dùng thuốc đúng với từng thời kỳ của bệnh.

BS. Đinh Thị Thanh

Phòng ngừa viêm dạ dày ở trẻ em

Các chuyên gia nhi khoa cảnh báo, bệnh về dạ dày ở trẻ em đang gia tăng, một phần là sự quá tải trong việc học sẽ dẫn đến mệt mỏi, strees, trở thành gánh nặng cho sức khỏe nói chung và bệnh viêm dạ dày nói riêng. Một nguyên nhân cơ bản thứ hai là do một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (HP).

Trong các bệnh lý về dạ dày thì có 3 bệnh hay gặp nhất: viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày. Ba bệnh này liên quan mật thiết với nhau, viêm bao giờ cũng đi trước, dần đến loét và tiến triển thành ung thư. Trẻ em chủ yếu bị viêm dạ dày là chính, loét rất hiếm gặp.

Nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày

Viêm dạ dày được coi là căn bệnh của cuộc sống hiện đại, là những tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Xã hội càng phát triển kéo theo nhiều áp lực thì bệnh viêm dạ dày càng tăng lên. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất. Học ở trường, học ở lớp học thêm và học ở nhà, không còn thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí... Tất cả học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông dường như phải học quá nhiều. Sự quá tải trong việc học sẽ dẫn đến mệt mỏi, strees, trở thành gánh nặng cho sức khỏe nói chung và bệnh viêm dạ dày nói riêng.Viêm dạ dày không được điều trị dễ dẫn đến loét dạ dày.

Viêm dạ dày không được điều trị dễ dẫn đến loét dạ dày.

Một nguyên nhân cơ bản thứ hai là do một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (HP). Kinh tế phát triển lại tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn: thức ăn đường phố, nguồn nước, môi trường, lối sống... ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa không đáp ứng kịp mà gây nên bệnh. Việc nhiễm vi khuẩn HP thường bắt đầu khi còn nhỏ, có khi 1-2 tuổi đã mắc, gặp nhiều nhất là khi trẻ 7-8 tuổi. Việc trẻ bị viêm dạ dày từ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh suốt đời, việc điều trị bệnh dễ tái phát, cần phát hiện sớm để được điều trị tích cực, kịp thời.

Những biểu hiện viêm dạ dày ở trẻ

Khi trẻ bị viêm dạ dày, trẻ sẽ không muốn ăn hoặc ăn không được vì đau, vì cảm giác khó chịu, đầy bụng sau ăn, hoặc nếu có ăn được thì thức ăn sẽ không được nghiền trộn và chuyển hóa tốt, kết quả là cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, hoạt động của toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể sẽ suy yếu đi mà biểu hiện rõ rệt nhất là trẻ thường mệt mỏi, da xanh, gầy sút, uể oải, hoa mắt, hay hồi hộp, căng thẳng, mất tập trung.

Trẻ bị viêm dạ dày có biểu hiện đau bụng. Tuy nhiên, đau bụng ở trẻ thường không giống người lớn. Đau có thể liên quan đến bữa ăn như đau sau ăn. Bệnh có thể tăng lên khi ăn thức ăn, đồ uống kích thích niêm mạc dạ dày như chuối, đu đủ. Mặt khác, cơn đau bụng do viêm dạ dày ở trẻ em diễn ra khắp bụng chứ không chỉ đau vùng thượng vị, không có triệu chứng đau âm ỉ, ợ chua như bệnh dạ dày ở người lớn. Cũng có trường hợp trẻ đau bụng dữ dội, trẻ lăn lộn giống với triệu chứng đau do giun chui ống mật nên các bậc cha mẹ tưởng con mình bị đau bụng do giun.

Trường hợp viêm dạ dày ở trẻ có biểu hiện rất rõ là đau bụng tái diễn, nôn và buồn nôn, đi đại tiện ra máu tươi hoặc phân đen như bã cà phê.

Bệnh viêm dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm xuất huyết tiêu hóa (chảy máu dạ dày), thủng dạ dày, hẹp môn vị (ăn chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn và nôn)... ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí lực của trẻ.Vi khuẩn HP thủ phạm gây viêm dạ dày.

Vi khuẩn HP thủ phạm gây viêm dạ dày.

Điều trị và phòng ngừa viêm dạ dày

Kỹ thuật nội soi dạ dày là một phương pháp hữu hiệu cho kết quả chính xác nhất trong việc chẩn đoán bệnh dạ dày. Việc điều trị viêm dạ dày có thể phân ra 2 nhóm chính: nhóm do không nhiễm và nhóm nhiễm vi khuẩn HP. Tùy theo phân loại này mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có những phác đồ điều trị thích hợp. Nhiều loại thuốc tốt thế hệ mới có tác dụng điều trị cả nguyên nhân lẫn triệu chứng. Tuy nhiên, việc điều trị phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tránh nguy cơ nhờn thuốc của vi khuẩn HP.

Bên cạnh việc dùng thuốc, nhằm bình thường hóa chức năng của dạ dày, tăng cường hệ thống tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc dạ dày cần loại trừ các yếu tố gây bệnh như strees, áp lực tâm lý, căng thẳng, thức khuya... Bên cạnh đó cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP từ thức ăn là không nhỏ. Ăn uống khoa học, ăn chín, uống sôi, ăn đúng bữa, không ăn quá no, không ăn quá khuya, không vừa ăn vừa chạy nhảy, vừa ăn vừa đọc sách, xem tivi hoặc sử dụng các thiết bị điện tử... Khi có các triệu chứng về tiêu hóa như: đau bụng, chán ăn, khó tiêu, nôn, tiêu chảy, táo bón... cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.

ThS. Phạm Tố Ngân

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp

Khi đang ở độ tuổi 20-30, bạn sẽ không thể ngờ rằng mình có thể bị viêm khớp

Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp:

1. Tiền sử viêm khớp

Nếu bố hoặc mẹ bạn bị viêm khớp và than phiền về việc thường xuyên bị đau khớp, bạn nên kiểm tra mật độ xương hoặc làm xét nghiệm máu đơn giản. Tiền sử gia đình bị viêm khớp có thể khiến ngay cả người trẻ cũng có nguy cơ bị viêm khớp.

Có nhiều yếu tố di truyền và môi trường khiến một người dễ bị viêm khớp dạng thấp, một tình trạng mạn tính khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công màng và sụn của các khớp. Vì vậy, nếu bạn có tiền sử gia đình bị bệnh, hãy lên kế hoạch với bác sĩ để phòng bệnh.

2. Thừa cân

Thừa cân kết hợp với lối sống ít vận động là yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp.

Đó là do các khớp đầu gối và mắt cá chân phải chịu gánh nặng từ trọng lượng của bạn và dần bị mòn và rách. Chúng bắt đầu thoái hóa và đó là khi các khớp đau và mỏi. Cách tốt nhất để tránh viêm khớp là giảm cân và làm săn chắc cơ xung quanh khớp để đỡ khớp. Ngoài ra, các hoạt động ít ảnh hưởng như đi xe đạp, bơi lội có thể giữ cho khớp khỏe mạnh.

3. Cứng khớp buổi sáng

Nếu bạn bị đau khớp và cơ và nó khiến bạn bị bất động trong vài phút đầu tiên sau khi thức dậy, hãy lưu ý tới tình trạng này. Cứng khớp buổi sáng khá phổ biến. Nó có thể cũng xảy ra khi bạn ngồi bắt chéo chân quá lâu. Đau thậm chí sau khi ngồi quá lâu trên một chiếc ghế hoặc nằm cũng là một dấu hiệu nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị cứng cơ, bạn cần kiểm tra máu và chụp xquang để xác định tình trạng các khớp và xem có phải bị viêm khớp hay không. Đôi khi, tình trạng này cũng có thể do thiếu vitamin B3.

4. Đau ở khớp

Tình trạng đau ở các khớp khi đi bộ, leo cầu thang và ngay cả khi ngồi không là những dấu hiệu của viêm khớp. Đau khi tình trạng đau diễn ra nghiêm trọng ảnh hưởng tới giấc ngủ.

5. Mệt mỏi

Mệt mỏi cùng với sốt hoặc đau ở các mô không phải khớp có thể cũng là dấu hiệu của viêm khớp và bạn thường nhầm lẫn với cúm. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, hãy đi kiểm tra xương để đánh giá cùng với kiểm tra sức khỏe tổng thể.

BS Cẩm Tú

(Theo THS/ Univadis)

Biểu hiện của ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng (UTVH) là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm họng - phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau của mũi. Ðây là loại ung thư thường gặp hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ và đứng thứ 4 trong các loại ung thư nói chung.

Những biểu hiện của UTVH

Ung thư vòm thường được phát hiện muộn do bệnh tiến triển âm thầm, các triệu chứng của bệnh không đặc thù, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, hơn nữa vùng vòm ở sâu, là khu vực không dễ tiếp cận để thăm khám đối với các bác sỹ không chuyên khoa. Các triệu chứng của bệnh hầu hết là các triệu chứng “mượn” của các cơ quan lân cận và thường biểu hiện ở một bên:

- Biểu hiện ở mũi: Ngạt tắc mũi, chảy mủ mũi, chảy máu mũi, nói giọng mũi.

Hình ảnh ung thư vòm họng.

- Biểu hiện ở tai: U làm tắc vòi tai gây viêm tai giữa biểu hiện đau tai, ù tai, chóng mặt, nghe kém, có thể chảy mủ tai.

- Biểu hiện ở mắt: Khu u lan rộng vào nền sọ, gây liệt các dây thần kinh chi phối hoạt động mắt biểu hiện lác mắt, lồi mắt, sụp mi, giảm thị lực…

- Hạch cổ: Là dấu hiệu thường gặp, gặp ở 60-90% các trường hợp.

Ngoài ra còn có các biểu hiện toàn thân khác thường gặp như đau đầu nhiều, gầy sút cân trong thời gian ngắn, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân… cũng cần phải được lưu ý.

Ðiều trị UTVH

Sau khi được chẩn đoán, các bác sỹ sẽ xác định giai đoạn của bệnh, căn cứ vào giai đoạn bệnh cùng một vài yếu tố khác để quyết định kế hoạch điều trị và tiên lượng bệnh. Các biện pháp điều trị chính hiện nay gồm có:

- Tia xạ: Với ung thư vòm hiện nay, xạ trị là phương pháp điều trị quan trọng nhất, chiếu tia cả khối u và hạch cổ nếu có. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các bác sỹ có thể xác định chính xác trường chiếu tia dựa vào các hình ảnh không gian 3 chiều nhằm tăng tối đa tác dụng của tia xạ trên khối u đồng thời hạn chế làm tổn thương mô lành.

- Hóa chất: Trước đây hóa chất chỉ được sử dụng khi ung thư vòm có di căn xa hoặc khi điều trị tia xạ thất bại, xu hướng mới hiện nay là điều trị tia xạ kết hợp với hóa chất ngay từ đầu để làm tăng hiệu quả điều trị triệt để khối u.

- Phẫu thuật: Do vòm họng nằm ở vị trí giải phẫu chật hẹp và sâu nên trước đây phẫu thuật không có vai trò quan trọng trong điều trị triệt để mà chỉ có vai trò trong việc lấy bệnh phẩm để chẩn đoán bệnh. Ngày nay với sự tiến bộ của phẫu thuật nền sọ, kết hợp với nội soi đã mở ra cơ hội chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân ung thư vòm thể kém đáp ứng với tia xạ như thể sừng hóa hoặc tái phát. Ngoài ra phẫu thuật còn có thể loại bỏ các hạch di căn ở vùng cổ giai đoạn còn khu trú.

Ngoài các phương pháp điều trị cơ bản như trên, các nhà khoa học hiện nay đang nỗ lực nghiên cứu các biện pháp điều trị mới dựa trên sinh học phân tử, công nghệ gen, miễn dịch học… và bước đầu đã cho thấy hiệu quả điều trị tích cực.

Tiên lượng bệnh phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh khi được phát hiện, nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm tỷ lệ sống trên 5 năm sau điều trị có thể lên tới trên 70%, nhiều trường hợp khỏi hẳn. Với ung thư vòm giai đoạn muộn, tỷ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, tỷ lệ sống thêm trên 5 năm thấp từ 10% tới 40%. Tiên lượng bệnh còn phụ thuộc nhiều vào thể ung thư, ung thư biểu mô không biệt hóa có tiên lượng tốt nhất vì rất nhạy cảm với tia xạ, ung thư mô liên kết có tiên lượng kém nhất.

Phòng bệnh

Hiện tại các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu để phát triển vắc xin phòng virus Epstein-barr, một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư vòm. Trong khi chờ đợi các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu như trên chúng ta có thể áp dụng các biện pháp khác để nâng cao sức khỏe nói chung, hạn chế các yếu tố nguy cơ khác của ung thư vòm như:

- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ làm việc sinh hoạt hợp lý để nâng cao sức khỏe.

- Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu chất kích thích, hạn chế ăn các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối…

- Điều trị sớm những viêm nhiễm ở đường mũi họng.

- Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng tai mũi họng như đau đầu kéo dài, xì máu mũi, ù tai, hạch cổ to… nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm để được nội soi vòm, loại trừ bệnh.

Tóm lại ung thư vòm là loại ung thư phổ biến ở Việt Nam, là bệnh nguy hiểm, độ ác tính cao nhưng có thể được điều trị rất tốt nếu được phát hiện sớm do đó cần nhận biết các dấu hiệu sớm, của bệnh để đi khám kịp thời, người có nguy cơ cao như tuổi trung niên, hút thuốc lá nhiều… nên được khám Tai mũi họng định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện bệnh sớm.

PGS.TS. Nguyễn Ðình Phúc

Giọng nói bỗng thay đổi

1, Khan tiếng: Trào ngược dạ dày

Đừng chủ quan khi thấy giọng nói của bạn trở nên khàn khàn sau một thời gian mà không có dấu hiệu thuyên giảm. Nó có thể là một dấu hiệu của trào ngược axit. Ngoài ra, khan tiếng cũng cảnh báo những triệu chứng của nhiều vấn đề khác nhau. Bà Amy Cooper- Giám đốc Viện các Bệnh lý về giọng nói thuộc Bệnh Viện Mount Sinai, New York cho biết bất cứ thay đổi trong giọng nói đang báo động các bệnh lý lành tính và nguy hiểm hơn là ung thư thanh quản .

2, Giọng nghẹt mũi: Viêm xoang mãn tính

Cảm lạnh thông thường khiến bạn khó chịu và tắc mũi. Triệu chứng nghẹt mũi cộng với việc phải thở bằng miệng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng Rhinosinusitis- viêm mũi và viêm niêm mạc. Những bệnh nhân Rhinosinusitis mãn tính sẽ phát triển thành viêm xoang mãn tính.

3, Khàn giọng, yếu giọng: Bệnh tuyến giáp

Một sự thay đổi trong giọng nói của bạn có thể là dấu hiệu của rối loạn tuyến giáp. Các vấn đề về tuyến giáp dẫn đến tác động tiêu cực đến âm giọng.

Những dấu hiệu thông thường của bệnh nhân mắc các vấn đề về tuyến giáp là giọng nói ngày càng khàn trầm, yếu. Ung thư tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến các dây thần kinh mà thường chỉ một bên. Điều này sẽ dẫn đến tê liệt một bên thanh quản. Giọng nói sẽ yếu dần và mất hẳn tiếng.

4, Giọng nói đơn điệu, yếu ớt, nói nhịu: Bệnh Parkinson

Giọng nói bỗng trở nên nhỏ, khó nghe hay nói ngọng bất thường là dấu hiệu thường thấy của bệnh Parkinson. Khoảng 90% bệnh nhân Parkinson có thay đổi về giọng nói. Bà Cooper cho biết thêm “ Bệnh nhân Parkinson hầu hết gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát và phát ra tiếng nói’’.

5, Khản giọng: Ung thư thanh quản

Trong giai đoạn đầu của ung thư thanh quản, giọng nói sẽ biến đổi. Đó là do sự rung động của dây thanh quản bị ảnh hưởng khi có sự bất thường trong cổ họng, dẫn đến khàn giọng. Tuy nhiên, khản giọng cũng do viêm thanh quản và tình trạng có thể kèo dài trong nhiều tuần.

Hãy luôn lắng nghe giọng nói của bạn và của người thân hàng ngày. Nó có thể đang tiết lộ điều gì đó về tình trang sức khỏe của bạn và gia đình !

Minh Anh ( Theo Medical Daily)

Nhức mỏi chân ở trẻ em là bệnh gì?

Con gái tôi 10 tuổi, dạo này mỗi đêm bé hay kêu nhức mỏi hai chân, nên khi đi ngủ tôi phải xoa chân giúp thì bé mới ngủ được. Vậy xin hỏi bé...